Vừa là một thầy giáo chuyên Văn, vừa là một nghệ nhân làm bánh nổi tiếng, câu chuyện về thầy Phạm Văn Phúc khiến nhiều người cảm thấy yêu mến và nể phục.
Xuất hiện bên gian hàng Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tổ chức tại Tp. Cần Thơ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết đại diện tỉnh Hậu Giang tham gia lại là một người thầy giáo. Đây không phải là lần duy nhất thầy xuất hiện nơi đông người, mà cách đây mấy năm khi tỉnh Hậu Giang tổ chức liên hoan ẩm thực, thầy đã có mặt bằng một gian hàng đặc sắc với các loại bánh dân gian bắt mắt.
NỘI DUNG CHÍNH
Từ một người yêu thích làm bánh
Thầy Phúc sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Thanh Hòa, huyện Phụng Hiệp. Ngày nhỏ, thầy có cơ hội gần gũi nhiều với bà nội, bà ngoại – những người khéo léo, giỏi làm bánh, vì vậy hương vị bánh được in sâu trong tâm trí thầy. Lớn lên một chút, thầy thường hay hỏi bà, hỏi mẹ cách làm bánh và thực hành một cách đam mê. Dần dần, thầy yêu thích và quyết tâm gắn bó với nghề này.
Song song với làm bánh, thầy học sư phạm và trở thành thầy giáo dạy Văn tại Trường THCS Cái Tắc, huyện Châu Thành A. Sau đó thầy lấy vợ, cũng là giáo viên cùng trường và trùng hợp là vợ thầy cũng thích nấu ăn, làm bánh, Vì vậy, ngoài giờ dạy học, hai vợ chồng thầy mở thêm dịch vụ nấu ăn, nhận làm bánh cho các hội nghị, đám tiệc,… Đối với thầy, đây không chỉ là cách để tăng thêm thu nhập mà còn là cách để giữ ngọn lửa đam mê đối với nghề làm bánh này.
Trở thành nghệ nhân làm bánh đa tài
Thầy Phúc có thể làm được hơn 20 loại bánh dân gian khác nhau, trong đó thầy đặc biệt yêu thích và thường xuyên làm nhất là bánh ít trần, bánh xèo, bánh đúc, bánh khoai mì, bánh chuối,…
Tạii Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, thầy chọn bánh khoai lang cuộn để trưng bày và tham gia cuộc thi. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên khi thầy lại chọn một loại bánh đơn giản từ nguyên liệu cho đến cách làm. Tuy nhiên, thầy Phúc tâm sự:
“Biết đi thi thì ai cũng phải chọn món độc, lạ và cố làm cho thật ngon, thật đẹp. Còn tôi quan niệm đơn giản là chọn những cái gì gần gũi nhất với mình, mà mỗi khi nghe, ai cũng thấy món này có ở khắp nơi”.
Và kết quả, thầy đã vượt qua mấy chục nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau để dành lấy huy chương bạc tại cuộc thi. Đây là giải thưởng lớn đầu tiên thầy đạt được bên cạnh các giải nhất, nhì cấp tỉnh, huyện trong suốt mấy năm qua.
Chia sẻ về tương lai, thầy Phúc mong muốn sẽ làm nên những chiếc bánh dân gian mang đậm hương vị khóm Cầu Đúc để mỗi lần du khách tới đây sẽ ăn một lần và nhớ mãi không quên.
Xem thêm: