Hát Aday là kiểu hát “nói” của người Khmer thuộc xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Từ một điệu hát dân gian mang tính dân tộc, đến nay hát Aday đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
NỘI DUNG CHÍNH
Hát Aday của người Khmer có gì đặc sắc?
Hát Aday là nghệ thuật trình diễn dân gian tổng hợp, được hát theo kiểu đối đáp của nam – nữ kết hợp với múa và được nhạc cụ hỗ trợ. Nội dung của hát Aday là giao duyên, ca ngợi quê hương, cảnh vật, cổ vũ đạo đức, cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng.
Ban đầu, hát Aday là kiểu hát Prop-kay (đối đáp) của nam và nữ, cùng vỗ tay để tạo thành nhịp rồi sau đó đối đáp qua lại. Sau này, hát Aday được sử dụng trong các bài hát kịch hoặc cổ tích hoặc trò chươi ném cầu vào lễ Chôl Chnăm Thmây.
Tại Hậu Giang, hát Aday xuất hiện từ thời khai hoang mở đất, lập phum, sóc của bà con Khmer. Huyện Long Mỹ xưa là nơi có điệu hát Aday từ rất sớm, hầu hết trai gái trong cộng đồng ai nấy đều biết hát. Ngoài ra, tại Tp. Vị Thanh, một số bà con người Khmer cũng biết đến kiểu hát này.
Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của kiểu hát Aday:
- Lối hát: Sử dụng lối hát nói với kỹ thuật đơn gian, chỉ cần nhấn nhá khi thể hiện trạng thái tình cảm.
- Bài bản: Hát Aday sẽ dựa vào bài ca và bản nhạc, có thể sử dụng bài hát truyền thống hoặc viết lời mới.
- Âm nhạc: Các bài nhạc đệm cho hát Aday được chọn từ bản nhạc đệm của lối hát đối đáp hoặc tuổng tích hát dù kê, hoặc nhạc múa truyền thống. Điệu nhạc phổ biến nhất hiện nay là bản đờn Phum Phuông, Prop kai.
- Điệu múa: Hát Aday có thể kèm theo múa nhưng không nhất thiết phải có mọi lúc mọi nơi, mà sẽ tùy thuộc vào làn điệu bài hát, cảm hứng hoặc khi cần nhấn mạnh. Nếu có múa thì điệu múa khi hát Aday là múa tổng hợp, gồm cả điệu rom vong, lăm lêu,…
Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là những di sản văn hóa phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia. Để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương;
- Phản ánh sự đa dạng của văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế thừa qua nhiều thế hệ;
- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;
- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, ngày 19/4/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Tổng kết Liên hoan nghệ thuật các dân tộc năm 2022, đồng thời công bố hát Aday của người Khmer, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc hát Aday trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là một yếu tố tạo động lực để cho tỉnh Hậu Giang tiếp tục bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Trên cơ sở đó để đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh. Đồng thể thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung.
Xem thêm: